Sản phẩm gần đây
Trang chủ
»
TIN TỨC 24H
Miền Trung chìm trong lũ dữ
17/10/2013 08:32 (GMT + 7)
TT - Mưa lũ bất ngờ dồn dập xuống Quảng Bình trong ngày 16-10. Lốc ở huyện Quảng Trạch, lũ quét ở huyện Minh Hóa, nước dâng ào ạt ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa...
Lốc quét qua bốn xã lúc nửa đêm
Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình cho biết đã có 4 người chết, 1 người mất tích và 27 người bị thương; 208 nhà bị sập đổ và cuốn trôi, 418 nhà bị tốc mái và hư hỏng, 11.083 nhà bị ngập lụt.
|
1g sáng 16-10, trong khi xóm làng ở xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) đang chìm dưới cơn mưa thì một cơn lốc đã quét qua thôn Dài và Hạ Sơn. Hơn 200 căn nhà bị tốc mái và nhiều nhà sập đổ hoàn toàn.
Ba người chết là ông Phạm Xuân Sơn (48 tuổi), ông Mai Xuân Thụ (43 tuổi), bà Hoàng Thị Tý (55 tuổi) và 22 người bị thương.
Sau cơn lốc, lũ trên sông Hà Giang thuộc hệ thống sông Rào Nan lại dâng cao làm ngập sâu toàn bộ hai làng Dài và Hạ Sơn.
Người thân đau đớn khi tìm thấy thi thể cô giáo Nguyễn Thị Lộc bị lũ cuốn ở thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - Ảnh : Quốc Nam
|
Người dân phải bỏ nhà bồng bế nhau chạy lũ. Khi chúng tôi đến, xóm làng đổ nát và hoang vắng như chốn không người. Đến chiều tối 16-10, ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết chưa thể biết được cụ thể thiệt hại do vùng này đang bị lũ chia cắt.
Cơn lốc còn quét qua ba xã khác, làm hư hỏng và tốc mái 100 ngôi nhà ở xã Quảng Minh, tốc mái 60 nhà xã Quảng Thủy và xã Quảng Văn 14 nhà.
Chợ Hóa Tiến tan hoang sau lũ quét
Cũng trong rạng sáng 16-10, một cơn lũ quét qua huyện miền núi Minh Hóa, cuốn trôi hai nhà dân ở xã Xuân Hóa, sập cầu treo ở xã Hóa Thanh, gây ngập 350 nhà dân xã Hóa Tiến.
Thiệt hại nặng nhất là chợ Hóa Tiến tan hoang sau cơn lũ quét. Sau cơn lũ, chúng tôi đã có mặt tại đây và chứng kiến cảnh tượng hàng chục lều quán, hàng hóa bị lũ cuốn trôi, nhiều tiểu thương không cầm được nước mắt vì trắng tay.
Một ngôi nhà ở thôn Thanh Sen, xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bị lũ ngập đến mái - Ảnh: Quốc Nam |
Các tiểu thương cho biết từ đầu đêm 15 đến rạng sáng 16-10, họ đã có mặt ở chợ để phòng chống lũ. Đến khoảng 12g đêm thì trời ngớt mưa, nước dưới suối bắt đầu rút nên họ yên tâm đóng cửa chợ và về nhà ngủ. Nhưng khoảng 4g sáng thì trời đổ mưa rất to, kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ khiến nước lên nhanh ào ạt, phút chốc chợ đã ngập sâu đến 2m.
Các tiểu thương ở phía bên kia suối bị cô lập không thể đến chợ được, nhưng một số đến được thì cũng bất lực vì lúc này dòng nước lũ đang đổ ào ạt.
Họ chỉ biết đứng nhìn dòng lũ nhấn chìm toàn bộ khu vực chợ, hàng rào xung quanh bị lũ đánh sập, nhiều quầy hàng bị cuốn trôi hoàn toàn...
Anh Trần Văn Tý, chủ quầy tạp hóa, xót xa nói: “Hết cả rồi, hàng hóa của tôi cái thì lũ cuốn trôi, cái thì hư hại”. Cạnh đó, quầy hàng rau của bà Đinh Thị Luyện cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Gia đình bà Luyện thuộc diện hộ nghèo trong xã, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào quầy hàng trong chợ. Thế mà chỉ sau trận lũ quét kéo dài hai giờ đã cuốn trôi tất cả. Bà Luyện khóc ràn rụa: “Trắng tay rồi, lấy gì mà nuôi con cái đây?”.
Nguồn tuoitre.vn
Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: Góc nhìn từ Cố đô Huế |
Văn hóa di sản và du lịch luôn có mối quan hệ cộng sinh. Từ góc nhìn của cố đô Huế, sau 20 năm quần thể di tích này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Nhã nhạc được công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, có thể thấy được nhiều điều...
Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: Góc nhìn từ Cố đô Huế
22 năm qua, dưới sự hỗ trợ của UNESCO cùng các tổ chức trong và ngoài nước, Quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” – cụm từ mà UNESCO khuyến cáo từ những năm 1980. Hàng trăm công trình đã được trùng tu tôn tạo nâng cấp phục dựng trả lại giá trị nguyên gốc. Trong đó nổi bật là Ngọ Môn, Cung Diên Thọ, Điện Thái Hòa, Cung Trường Sanh, Trường Lang Tử Cấm Thành. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và xây dựng hẳn một chiến lược bài bản để phát huy hơn nữa giá trị của di sản độc đáo này trong đời sống cộng đồng ngày hôm nay.
Cùng với đó, từ năm 1996 đến năm 2012, doanh thu trực tiếp từ Khu Di tích Huế đạt gần 825 tỷ đồng, góp phần quan trọng đầu tư trở lại bảo tồn di tích.
Theo bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO: “Nhìn tổng thể, Huế đạt chuẩn mực trong bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích và nhã nhạc cung đình. Điều quan trọng hơn là thời gian tới, Huế cần thực hiện bài bản, hiệu quả quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế gắn với phát triển du lịch, thu hút sự chung tay hơn nữa của người dân”.
Khai thác hiệu quả
Từ năm 2000 đến nay, cứ 2 năm một lần, Festival Huế- thương hiệu văn hóa du lịch Huế ở tầm quốc tế đã được tổ chức, vừa tôn vinh những giá trị văn hóa di sản, vừa quảng bá du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua 6 kỳ Festival, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch Huế càng được đẩy mạnh, giúp di sản có sức sống bền lâu trong cộng đồng.
Qua 6 kỳ Festival, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch Huế càng được đẩy mạnh, giúp di sản có sức sống bền lâu trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ các hoạt động phong phú kỷ niệm 20 năm Di sản Huế được tổ chức mới đây, một hội nghị gặp gỡ các khu di sản thế giới ở Việt Nam đã được tổ chức tại TP Huế. Đây chính là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhằm tạo ra một mạng lưới để kết nối các di sản thế giới ở Việt Nam cùng trao đổi kinh nghiệm và quan trọng hơn là hỗ trợ nhau trong việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Hiếm có Hội thảo nào gần như hội tụ đầy đủ các địa phương có di sản thế giới như hội thảo này. Với vị trí một người anh cả trong công tác di sản, những ưu điểm và tồn tại của Huế được ưu tiên bàn thảo trong phần lớn thời gian. Những con số ấn tượng là nguồn thu từ du lịch dịch vụ của Huế đã chiếm tới 48% GDP của tỉnh. Năm 2012, Huế đã đón du khách thứ 2 triệu, và quan trọng hơn là tính chuyên nghiệp trong cách làm du lịch.
Nội thất lăng khải định đầy tinh xảo
Nội thất sảnh Khải Tường Lâu tại Cung An Định đã được nước bạn Đức hướng dẫn, đào tạo các nghệ nhân Việt Nam phục nguyên lại hình dáng ban đầu
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, những tinh hoa văn hóa phi vật thể cũng được Huế bảo tồn và phát huy, phục dựng, tạo thêm sức hút đối với du khách, trong đó phải kể đến Nhã nhạc cung đình Huế với các lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số... cũng đã được
Mới đây, bộ biên chung gồm những chiếc chuông đồng lớn, một loại nhạc cụ quan trọng của Nhã nhạc Triều Nguyễn, phục vụ những nghi lễ quan trọng như Lễ Tế xã tắc hay Lễ Nam giao cũng đã được phục dựng. Đầu Thế kỷ 20, bộ biên chung này gần như đã thất truyền cả về hình thức chế tác lẫn nghệ thuật trình diễn. Đây chính là nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di sản cố đô Huế trong việc bảo tồn của Nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam.
Từ năm 2003, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã thực hiện nhiều cuộc điền giã để thu thập các tưu liệu quý, xây dựng bồ hồ sơ khoa học, xây dựng bộ hồ sơ nhã nhạc cung đình Huế. Đến nay, bộ hồ sơ đã thu được 250 trang viết giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sỹ và ký âm các bài bản do họ thể hiện: 22 băng ghi âm, 45 đĩa DVD ghi lại các kỹ thuật trình tấu Nhã nhạc Cung đình.
Nhà hát Duyệt Thị Đường đỏ đèn quanh năm, mỗi ngày, tại đây có từ 2 đến 3 suất diễn Nhã nhạc Cung đình Huế - kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Các nghệ nhân thì được phô diễn tài năng và tinh hoa âm nhạc bác học ở tầm thế giới, du khách thì hiểu hơn về lịch sử triều Nguyễn qua âm nhạc, múa và trang phục biểu diễn.
Hiện mỗi năm, số tiền thu được từ biểu diễn Nhã nhạc là 2 tỷ đồng. Nhà hát Duyệt Thị Đường không đặt nặng việc kinh doanh, nhưng đó là khoản tài chính bổ sung để thu hút lớp trẻ gắn bó với nghệ thuật cung đình từ Thế kỷ 19.
Huyền thoại sông Hương
Múa Cung đình Trình Tường Lập Khánh
Nhã nhạc cung đình Huế với các lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số cũng mang đến những hấp dẫn đối với du khách.
Dự án bảo tồn Nhã nhạc Cung đình Huế thực hiện từ năm 2005, đến năm 2009 đã được UNESCO đánh giá là mẫu mực trong bảo tồn kiệt tác phi vật thể của nhân loại.
Sở hữu hệ thống di sản dày đặc, do vương triều phong kiến cuối cùng để lại, có thể nói Huế có một lợi thế phát triển du lịch mà không một địa phương nào khác trên địa bàn cả nước có được. Đó chính là lý do vì sao du khách tìm về với Huế ngày càng một nhiều hơn. Tính đến hết tháng 9- 2013, thì tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón hơn 1,8 triệu khách du lịch, trong đó hơn 80% là đến với quần thể di tích cố đô Huế.
Thách thức trong công tác bảo tồn
Trong suốt 20 năm qua, có thể nói chưa khi nào Quần thể Di tích cố đô Huế không có công trình trùng tu. Gần đây nhất, dự án trùng tu tổng thể kinh thành Huế với tổng mức đầu tư gần 1300 tỷ đồng đã được chính phủ phê duyệt, mở ra triển vọng phục hồi toàn diện hệ di sản độc đáo này. Tính đến năm 2013, đội ngũ chuyên gia trong Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã lên đến 700 người. Không dừng lại ở phạm vi trùng tu di tích không gian hẹp, những nhà bảo tồn của Huế còn tính đến việc bảo vệ cảnh quan của kinh đô lịch sử. Nhờ chính sách nhất quán trong bảo tồn, mà di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn “ cứu nguy khẩn cấp” – cụm từ mà UNESCO khuyến cáo từ những năm 1980.
Bi Đình- Lăng Khải Định sau trùng tu
Bên cạnh một số thành tựu nổi bật, một số thách thức của di sản Huế trong khai thác du lịch cũng được phân tích cụ thể. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: "Từ năm 1996 đến nay, tổng kinh phí đầu tư gần 800 tỷ đồng để phục hồi, trùng tu, bảo quản chống xuống cấp gần 100 công trình, trong đó nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ, như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, Trường lang, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Lăng Gia Long, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, 10 cổng Kinh Thành.... Các dự án di tích Huế được tuân thủ theo kiểu "tu bổ thích nghi", tức bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa để kéo dài tuổi thọ trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, kết hợp tạo ra chức năng mới, phù hợp để di tích có được vị trí trong đời sống xã hội".
Đã có 132 công trình được trùng tu, song còn khoảng 400 công trình vẫn trong tình trạng hư hỏng nặng nề. Tính phức tạp của công tác di sản còn ở chỗ diện tích bảo tồn rộng nằm xen kẽ với các hoạt động dân sinh. Trong khu vực một của di tích hiện có hàng nghìn hộ dân sinh sống, tạo áp lực lớn lên di tích, làm tăng nguy cơ biến một số di tích thành phế tích. Cảnh quan môi trường xuống cấp, nhất là ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào (thuộc khu vực trong Kinh thành Huế).
Hai di tích Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ thuộc lăng vua Tự Đức bị xuống cấp trầm trọng.
Festival Huế là sự kiện văn hóa và du lịch đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, dần hướng tới một thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, xu hướng chung vừa qua là hơi thiên về tổ chức Festival nhằm thu hút khách cho phát triển du lịch. Festival Huế có xu thế hướng ngoại (người ngoại tỉnh và khách quốc tế). Du lịch không phải là mục tiêu chính trong bảo tồn di sản, ngược lại, du lịch cần được nhận thức là phương thức, phương tiện quảng bá di sản văn hóa. UNESCO đã từng cảnh báo du lịch không được kiểm soát là nguyên nhân gây áp lực lớn cho di sản văn hóa.
Họ cho rằng, Huế nên đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc hướng tới đối tượng du khách cao cấp, tất nhiên là không được quên loại hình du lịch số đông mang tính phổ cập.
Cần đẩy mạnh công tác bảo tồn di tích khi khai thác du lịch...
Ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, cần gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích cố đô với Nhã nhạc cung đình Huế. Sự kết hợp giữa hai di sản vật thể và phi vật thể sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bảo tồn và nâng cao giá trị di sản.
Đại diện tổ chức UNESCO cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những công tác đã đạt được trong công tác bảo tồn di sản Huế trong thời gian qua. Đồng thời khuyến nghị địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch quản lý di sản thế giới một cách hiệu quả và thiết thực hơn, đặc biệt là khắc phục được hệ thống ảnh hưởng đối với di sản cả do con người hay thiên nhiên gây ra”.
Hiện nay Việt Nam có hơn 14 di sản thế giới, gồm cả vật thể, phi vật thể và thiên nhiên. Thời gian tới, theo đề xuất của Huế, Câu lạc bộ các Khu di sản thế giới tại Việt Nam sẽ được ra mắt để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng bảo tồn và phát triển.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Không chỉ khai thác những giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp kiến trúc của quần thể di tích cố đô Huế. Trong những năm qua ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã không ngừng đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng vận chuyển, lưu trú và lữ hành để hấp dẫn hơn với du khách. Theo thống kê của Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 43 dự án đầu tư vào ngành du lịch với tổng số vốn đăng ký là 49.000 tỷ đồng.
Tuy vậy thì ngay trong những ngày kỷ niệm 20 năm Ngày quần thể di tích cố đô Huế và 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại thì ngành văn hóa du lịch địa phương đã phải tổ chức một buổi tọa đàm với các doanh nghiệp lữ hành để tìm giải pháp phát triển cho du lịch Huế. Những mặt mạnh và những tồn tại trong hoạt động doanh nghiệp của Huế đã được các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi.
Du lịch biển và du lịch làng nghề cũng là ưu thế phát triển ngành “ công nghiệp không khói” Thừa Thiên Huế
Trong những năm gần đây, hạ tầng du lịch Huế đã có những sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2005, Huế mới chỉ có 5000 phòng lưu trú thì hiện tại con số này đã là 13.000. Đặc biệt số khách sạn cao cấp từ 3 sao trở lên ngày càng phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng du khách. Vì vậy vấn đề của du lịch Huế hiện tại là nằm ở việc đa dạng hóa sản phẩm tránh sự nhàm chán.
Dù có lợi thế tuyệt đối về hệ thống di sản văn hóa, nhưng rõ rang, để phát triển du lịch, Huế không thể chỉ trông chờ duy nhất vào di sản vốn thường chỉ thích hợp với du khách cao tuổi. Để quảng bá hơn nữa những giá trị văn hóa quý báu, việc Huế tập trung đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch trong thời gian tới là thực sự cần thiết và đúng hướng.
Bên cạnh một số thành tựu nổi bật, một số thách thức của di sản Huế trong khai thác du lịch cũng được phân tích cụ thể. Đó là việc bảo tồn tôn tạo cảnh quan môi trường cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích chiếm gần một nửa số dân thành phố; các loại hình du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch về đêm còn nghèo nàn và chưa hấp dẫn.
theo vietnamtourism.gov.vn
|